Giai thoại Vũ_Khâm_Lân

Chuyện kể rằng, Vũ Khâm Lân vốn là con nhà nghèo, lại gặp cảnh mẹ kế con chồng, nên ông phải bỏ nhà ra đi...Vừa làm thuê, vừa học ở làng Dịch Vọng (huyện Từ Liêm) một thời gian thì gặp kỳ đình khai hội. Thấy quần áo của mình xuềnh xoàng quá, nên đến đêm ông mới đi dự và cũng chỉ đứng nép bên cột đình xem hát mà thôi.

Trong phường hát có một đào nương trẻ đẹp, hát hay múa giỏi, bỗng chú ý đến ông. Sáng hôm sau, người con gái ấy tìm đến chỗ ông trọ học. Biết được hoàn cảnh của ông đang gặp khó, nàng tình nguyện mỗi tháng sẽ chu cấp tiền bạc, để cho ông theo đuổi việc bút nghiên.

Quen lâu, đôi lần ông định cùng cô sống như chồng vợ, nhưng lần nào cũng đều bị cô khéo lựa lời từ chối...

Năm 1727, Vũ Khâm Lân thi đỗ Tiến sĩ. Vinh qui xong, cha ông bắt phải lấy vợ. Nhớ tới người từng cưu mang mình, nên ông cứ trù trừ mãi. Sau mấy lần cố công tìm mà không gặp, ông đành phải vâng lời cha. Nghe đâu sau đó cô gái có tìm đến, nhưng thấy ông đã lập gia đình, tự cho là duyên số không may rồi bỏ đi.

Khoảng hai mươi năm sau, khi này Vũ Khâm Lân đã là một Quận công, tình cờ ông gặp lại người xưa, trong một tiệc hát ở nhà bạn đồng liêu họ Đặng.

Người đào nương năm nào bây giờ đã già đi nhiều, đang ở chung với mẹ và chưa gắn bó với ai. Thấy cảnh sống của nàng sa sút và hẫm hiu quá, Vũ Khâm Lân ngỏ lời xin được nuôi dưỡng cả hai. Nàng nghe theo, nhưng đến khi bà mẹ mất, thì nàng cũng bỏ đi mất dạng. Người ta không biết cô đào ấy tên gì, chỉ biết nàng họ Nguyễn [2].